Phòng Khám Nhi Hà Nội

Đau mắt đỏ - bệnh thường gặp trong mùa hè

Vào mùa hè một số bệnh về mắt cũng có xu hướng vượng lên, trong đó có đau mắt đỏ (viêm kết mạc). Bệnh thường dễ bùng phát thành dịch… Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng dẫn đến giảm thị lực.

Có nhiều yếu tố gây viêm kết mạc như vi khuẩn, virus, dị ứng, bụi bẩn, hoá chất... với triệu chứng cộm trong mắt, chảy nước mắt, có nhiều dử, dính làm cho người bệnh cảm thấy rất khó chịu. Bên cạnh đó là kết mạc bị phù nề, đỏ lên do các mạch máu bị sung huyết. Trong những tháng nắng nóng của mùa hè do gió, bụi bẩn, môi trường ô nhiễm hoặc trong tháng thu hoạch thóc lúa... khiến cho những đợt viêm kết mạc rộ lên. Bệnh làm giảm tạm thời khả năng lao động và nếu không điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nặng (viêm giác mạc), dẫn đến giảm thị lực.

Cần đi khám để được dùng thuốc thích hợp

Đau mắt đỏ do tác nhân từ môi trường

Nguyên nhân gây đỏ mắt trong trường hợp này thường do gió, bụi, nước mưa, do đi bơi, dùng rượu bia, khói... Khi gặp các tác nhân này, hiện tượng đỏ mắt xuất hiện nhanh, nhưng cũng mất đi nhanh dù điều trị hay không điều trị. Điều trị trong những trường hợp này chỉ cần dùng nước muối sinh lý (0,9%), nước mắt nhân tạo hay hỗn dịch (hỗn dịch thường chứa chất co mạch, chất kháng histamine (chống ngứa), chất sát trùng…

Đau mắt đỏ do vi khuẩn

Thường do vi khuẩn Gram âm (Koch-Weeks) gây ra và sễ lây lan thành dịch. Chỉ cần một người bị có thể lây cho cả nhà rồi lan ra cộng đồng, nhất là ở những nơi đông người như trường học, cơ quan, nhà trẻ… Nguyên nhân lây bệnh chủ yếu là do mất vệ sinh như rửa tay không sạch sẽ, dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, chậu rửa...

Để điều trị trong trường hợp này bệnh nhân dùng kháng sinh, thuốc chống phù nề (uống) và tra, nhỏ kháng sinh tại chỗ.

Đau mắt đỏ do virus

Bệnh lây lan nhanh chóng và rất dễ thành dịch (do virus có thể tồn tại ở môi trường lâu tới vài ngày, đường lây đa dạng qua tiếp xúc trực tiếp, hô hấp, qua nước bọt, qua sinh hoạt tình dục… ). Dùng nước muối 0,9% vệ sinh mắt hàng ngày và dùng các thuốc chống viêm hay kháng virus (theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt), bệnh thường khỏi trong vòng từ 7- 10 ngày.

Không tự ý dùng các thuốc corticoid trị đau mắt đỏ

Rất nhiều người khi bị đau mắt đỏ tự ý dùng các thuốc chống viêm có chứa corticoid (polydexa, neo-dexa…) nhỏ mắt đã bị các tai biến do thuốc corticoid gây nên như viêm loét giác mạc, sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể, glocom… gây giảm thị lực, thậm chí mù lòa.

Không được tự điều trị ở nhà bằng cách xông lá trầu, lá dâu, đắp lá vào mắt... vì có thể gây chảy máu, nhiễm trùng thêm nặng.

Đau mắt đỏ do dị ứng

Ô nhiễm môi trường tăng, khí hậu trái đất nóng lên vào mùa hè cũng là thời điểm thuận lợi để bệnh đau mắt do dị ứng có điều kiện phát triển. Bên cạnh đó thì mất cân bằng dinh dưỡng, tiêu thụ mỡ động vật quá nhiều, dùng kháng sinh bừa bãi cũng là nguyên nhân khả dĩ của sự gia tăng này. Người bệnh thường có triệu chứng thấy ngứa mắt.Để điều trị loại đau mắt này có thể dùng nước mắt nhân tạo và các thuốc kháng histamin (chống dị ứng) nhỏ mắt. Việc tránh nắng nóng, tránh tiếp xúc với các dị nguyên gây đau mắt đỏ và giải mẫn cảm đặc hiệu là những biện pháp cần thiết…

Bệnh đau mắt đỏ rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.Có những loại nguy hiểm cần điều trị gấp, nhưng cũng có loại nhẹ chỉ thoáng qua mà không cần điều trị.Quan trọng là chúng ta phải biết cách nhận biết những dấu hiệu để chẩn đoán đúng nguyên nhân và điều trị thích hợp.

BS. Lê Xuân Bách

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Bài viết khác

Hỗ trợ trực tuyến
Sơ đồ đường đi

Liên Hệ Quảng cáo
Fanpage facebook
Lượt truy cập
  • Hôm nay 1486
  • Tổng lượt truy cập 4,798,993